LỊCH SỬ LÀ GÌ ? LỊCH SỬ CÓ TẦM QUAN TRỌNG THẾ NÀO TRONG ĐỜI SỐNG ?

ĐỊNH NGHĨA VỀ LỊCH SỬ


Khi nói đến lịch sử, theo giải thích đơn giản, lịch sử là những gì thuộc về quá khứ và gắn liền với xã hội loài người. Với ý này, lịch sử bao trùm tất cả mọi lĩnh vực trong xã hội, đa diện do đó khó định nghĩa chính xác và đầy đủ. 
Các nhà nghiên cứu trên thế giới đã đưa ra một vài khái niệm về lịch sử như sau :

  • Định nghĩa ngắn gọn của Ts. Sue Peabody: "lịch sử là một câu chuyện chúng ta nói chúng ta là ai".
  • Nhà bác học người La Mã Cicéron(106-45 TCN) đưa ra quan điểm:“historia magistra vitae” (lịch sử chính yếu của cuộc sống) với yêu cầu đạt tới “lux veritatis” (ánh sáng của sự thật)
  • Và Gs Hà Văn Tấn có viết, lịch sử là khách quan. Sự kiện lịch sử là những sự thật được tồn tại độc lập ngoài ý thức chúng ta. Nhưng sự nhận thức lịch sử lại là chủ quan. Và người ta chép sử vì những mục đích khác nhau.
Tóm lại thì lịch sử thường được hiểu theo các nghĩa sau :
-Việc diễn ra trong quá khứ: những sự kiện (biến cố/ event) diễn ra trong quá khứ cho đến thời điểm hiện tại, không thể thay đổi được, cố định trong không gian và thời gian, mang tính chất tuyệt đối và khách quan.

- Ghi lại những việc diễn ra trong quá khứ: con người muốn nắm bắt quá khứ, diễn đạt theo sự kiện theo từ ngữ và giải thích ý nghĩa của sự kiện, mang tính chất tương đối và chủ quan của người ghi lại bằng những câu chuyện kể.

- Làm thành tài liệu của việc diễn ra trong quá khứ: cách làm hoặc quá trình tập hợp những sự việc diễn ra trong quá khứ thành tài liệu cũng chính là câu chuyện kể đối với hiện tại.

Hoạt động nghiên cứu lịch sử vô cùng đa dạng bao gồm ghi nhớ, phát hiện, thu thập, tổ chức, trình bày, giải thích và thông tin về các sự kiện xảy ra trong quá khứ. Tuy nhiên, không phải mọi sự kiện trong thế giới loài người đều được ghi chép một cách đầy đủ. Các sự kiện xảy ra trước khi được ghi chép được coi là thời tiền sử.



Ý NGHĨA CỦA LỊCH SỬ ĐỐI VỚI ĐỜI SỐNG ?

Lịch sử là quá khứ, nhưng quá khứ là một hợp phần tất yếu của hiện tại; không có quá khứ thì cũng không có tương lai. Không biết gì về lịch sử, không học lịch sử, người ta sẽ không hình thành được thái độ trân trọng, tình cảm biết ơn và những việc làm tri ân đối với các bậc “khai quốc công thần”, các vĩ nhân, danh nhân, các anh hùng, liệt sĩ. Không biết gì về lịch sử, người ta cũng không thể hiểu được, giải thích được bản chất của các hiện tượng, sự việc đang tồn tại, đang vận động và biến đổi không ngừng. Đối với các chính trị gia, các nhà hoạch định chính sách hay làm công tác quản lý xã hội, nếu không hiểu biết gì về lịch sử nói chung, về lịch sử ngành nghề, lĩnh vực mình đảm trách nói riêng, chắc chắn họ sẽ rơi vào tình trạng quan liêu, tùy tiện, giáo điều, kinh nghiệm chủ nghĩa. Người ta sẽ trở thành người vô tâm, vô cảm và “mất gốc” khi không biết mình là ai, không biết lai lịch, nguồn gốc gia đình, quê hương, bản quán của mình như thế nào. Đến một thời kỳ nào đó, xã hội loài người sẽ không còn giai cấp và sự phân cách giàu nghèo, sang hèn, nhưng nguồn gốc gia đình, dân tộc, ranh giới quốc gia sẽ vẫn còn tồn tại, do đó, ý nghĩa của lịch sử rất quan trọng trong cuộc sống .

Thông qua lịch sử mà truyền cảm, thôi thúc các thế hệ hậu sinh phấn đấu vươn lên sao cho xứng đáng với sự mong đợi, kỳ vọng của các thế hệ cha ông, như người xưa nói: “Con hơn cha là nhà có phúc”. Có học lịch sử, người Việt Nam mới thấy dân tộc ta, đất nước ta có một bề dày lịch sử đấu tranh giữ nước và dựng nước rất hào hùng, oanh liệt, với biết bao sự kiện, sự việc.

Thông qua những gì có trong lịch sử chúng ta có thể ứng dụng nó vào đời sống . Những chiến thuật trong kinh doanh hay những điều mà các vĩ nhân , danh nhân truyền lại đều được lưu trữ thông qua lịch sử .Chúng ta có thể ứng dụng chúng để làm cho cuộc sống của chúng ta ngày càng tốt đẹp hơn.


Comments